
Thương chiến đang căng thẳng, lạm phát ở Mỹ bất ngờ giảm
Lạm phát tại Mỹ bất ngờ hạ nhiệt trong tháng 3 vừa qua, giữa bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đối mặt với những chính sách thuế quan khó lường của Tổng thống Donald Trump. Theo báo cáo được Cục Thống kê Lao động (BLS) thuộc Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 đã giảm 0,1% so với tháng 2, đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 3/2020, sau khi tăng 0,2% trong tháng 2. Trước đó, khảo sát của Reuters dự báo CPI sẽ tăng 0,1%. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 3 tăng 2,4%, thấp hơn mức tăng 2,8% của tháng 2 và cũng thấp hơn so với dự báo 2,5% của giới chuyên gia. Chỉ số CPI lõi tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 3,1% của tháng 2 và dự báo 3%. Đây là mức lạm phát lõi thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Fed đang đứng trước bài toán nan giải về việc có nên tiếp tục cắt giảm lãi suất, và thời điểm thích hợp để hành động, nhằm ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế do tác động từ chính sách thuế quan của ông Trump. Việc hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng có thể khiến lạm phát bùng phát trở lại, xóa bỏ thành quả chống lạm phát mà Fed đã nỗ lực trong 3 năm qua. Ngược lại, nếu Fed duy trì lãi suất ở mức cao quá lâu để kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.
Ngày 9/4, mức thuế đối ứng lên tới 50% đã chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, cũng trong ngày này, ông Trump tuyên bố hạ mức thuế này xuống 10% trong vòng 90 ngày để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán thương mại. Mặc dù vậy, ông Trump cũng tuyên bố tăng thuế suất đối với hàng hóa Trung Quốc lên 125%. Ngày 10/4, Nhà Trắng xác nhận với CNBC rằng hàng hóa Trung Quốc đang phải chịu mức thuế lên tới 145%, bao gồm cả mức thuế 20% mà ông Trump đã áp đặt từ đầu nhiệm kỳ hai.
Trao đổi với Financial Times, ông Eric Winograd, nhà kinh tế trưởng của AllianceBernstein, đánh giá dữ liệu CPI mới nhất của Mỹ là “tin rất tích cực”. “Áp lực lạm phát giảm sẽ tạo điều kiện cho Fed giảm lãi suất”, ông Winograd nhận định và dự báo Fed sẽ có đợt giảm lãi suất đầu tiên trong năm 2025 vào tháng 6 tới. Theo ông, lạm phát lõi thấp đồng nghĩa với việc “Fed có thêm không gian” để ứng phó với nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế do thuế quan. Lạm phát hạ nhiệt củng cố dự đoán của thị trường rằng Fed sẽ giảm lãi suất ít nhất 4 lần trong năm nay, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng lưu ý rằng số liệu CPI tháng 3 phản ánh tình hình lạm phát trước khi mức thuế đối ứng 10% được áp dụng vào ngày 5/4 và mức thuế 145% áp lên hàng hóa Trung Quốc từ ngày 9/4. Những chính sách thuế quan này được dự báo sẽ gia tăng áp lực lạm phát tại Mỹ trong thời gian tới. Biên bản cuộc họp tháng 3 của Fed, được công bố trong tuần, cho thấy “phần lớn các thành viên tham dự cuộc họp lưu ý rằng tác động tiềm tàng của các yếu tố khác nhau lên lạm phát có thể kéo dài hơn dự kiến”.
Ông Subadra Rajappa, Trưởng chiến lược lãi suất Mỹ tại ngân hàng Societe Generale, nhận định báo cáo CPI mới nhất là “thông tin đáng mừng” nhưng cũng cho rằng “điều thị trường thực sự quan tâm là tác động của thuế quan lên lạm phát trong thời gian tới”.
Source: VNECONOMY
This article has been adapted from its original source.