
Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài vào Giáo Dục Đại Học Việt Nam - Vẫn Còn Nhiều Thách Thức.
Việt Nam đang tích cực kiến tạo nền kinh tế tri thức và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, đòi hỏi một cuộc chuyển đổi sâu sắc trong lĩnh vực giáo dục để đáp ứng các xu thế toàn cầu. Giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, không chỉ là một yếu tố xã hội đơn thuần mà còn trở thành một động lực kinh tế then chốt, có khả năng thu hút vốn FDI (Đầu tư trực tiếp nước ngoài). Với khung pháp lý ngày càng hoàn thiện và chủ trương hội nhập giáo dục quốc tế rõ ràng, Việt Nam đang dần kiến tạo một môi trường đầu tư hấp dẫn cho lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là bậc đại học.
THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG NHƯNG THIẾU VỐN NGOẠI
Trong chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ Việt Nam xác định giáo dục đại học là một trụ cột then chốt để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 đến Kết luận 91-KL/TW năm 2024, các định hướng chiến lược đều nhấn mạnh vai trò của hội nhập quốc tế trong giáo dục, coi đây là động lực không thể thiếu để đạt chuẩn khu vực vào năm 2030 và vươn tầm thế giới vào năm 2045.
Thực tế cho thấy, các nỗ lực chính sách đã tạo ra một môi trường đầu tư tương đối cởi mở. Việt Nam hiện có quan hệ hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời là thành viên tích cực trong nhiều tổ chức quốc tế về giáo dục như UNESCO, SEAMEO, ASEM, APEC.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 2/2025, Việt Nam có 707 dự án FDI trong lĩnh vực giáo dục với tổng vốn đầu tư gần 4,64 tỷ USD. Luật Giáo dục năm 2019 và các nghị định hướng dẫn như Nghị định 86/2018/NĐ-CP và Nghị định 124/2024/NĐ-CP đã hoàn thiện hành lang pháp lý cho đầu tư nước ngoài trong giáo dục đại học, với các tiêu chuẩn cao về năng lực tài chính, chất lượng trường mẹ và quy mô đào tạo.
Số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, tính đến giữa năm 2024, Việt Nam đã thu hút được 605 dự án FDI trong lĩnh vực giáo dục với tổng vốn hơn 4,57 tỷ USD. Tuy nhiên, phần lớn tập trung ở các phân khúc mầm non, phổ thông và đào tạo kỹ năng ngắn hạn. Riêng lĩnh vực giáo dục đại học, mặc dù nhu cầu lớn và tiềm năng dồi dào, chỉ có 5 trường đại học có vốn nước ngoài đang hoạt động, bao gồm Đại học RMIT, Đại học Fulbright, Đại học Mỹ tại Việt Nam (AUV), Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam và Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV).
Sự “vắng bóng” này phản ánh những thách thức đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thứ nhất là quy trình pháp lý phức tạp, đòi hỏi tuân thủ đồng thời Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Giáo dục. Các bước như lập dự án, xin giấy phép thành lập, cấp phép hoạt động, công nhận hiệu trưởng, hội đồng trường và chương trình đào tạo đều phải thực hiện độc lập, kéo dài thời gian và tăng chi phí cơ hội.
Thứ hai là các rào cản về chi phí và yêu cầu tài chính. Theo Nghị định 124/2024/NĐ-CP, để thành lập một phân hiệu đại học nước ngoài, nhà đầu tư phải có vốn tối thiểu 500 tỷ đồng (không bao gồm chi phí đất đai). Đây là một con số đáng kể, đặc biệt khi nhiều đại học quốc tế áp dụng mô hình linh hoạt, sử dụng hạ tầng thuê hoặc chia sẻ. Bên cạnh đó, yêu cầu trường mẹ phải nằm trong top 500 toàn cầu, tuy mang tính chọn lọc, nhưng cũng hạn chế số lượng nhà đầu tư tiềm năng.
Trong bối cảnh Việt Nam có quy mô dân số gần 100 triệu người, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và xu hướng học chương trình quốc tế tại chỗ ngày càng phổ biến, các mô hình đầu tư hiệu quả vẫn còn hạn chế. Điều này cho thấy dư địa để thu hút vốn FDI trong lĩnh vực giáo dục đại học là rất lớn.
THÀNH CÔNG ĐẾN TỪ CÁCH TIẾP CẬN ĐỊA PHƯƠNG HÓA
Trong số ít các mô hình giáo dục đại học có vốn FDI đang hoạt động tại Việt Nam, Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) nổi lên như một ví dụ điển hình về cách tiếp cận bài bản, chiến lược và hiệu quả. BUV là trường đại học quốc tế duy nhất tại Việt Nam cấp bằng cử nhân trực tiếp từ Đại học London, Đại học Staffordshire, Đại học Stirling, Đại học Arts University Bournemouth và Đại học Bournemouth. Trường cũng là trường đại học đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam và khu vực ASEAN đạt chứng nhận kiểm định toàn diện từ Cơ quan Đảm bảo Chất lượng Giáo dục Đại học Anh Quốc (QAA). BUV đã đầu tư gần 165 triệu USD cho 3 giai đoạn để xây dựng khu học xá quốc tế tại khu đô thị Ecopark, trong đó giai đoạn 2 được đầu tư 33 triệu USD.
Mô hình của BUV không chỉ đơn thuần “đem giáo trình từ Anh sang Việt Nam”, mà tập trung vào việc nội địa hóa chuẩn quốc tế. Điều này có nghĩa là trường xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với năng lực, nhu cầu và bối cảnh văn hóa Việt Nam, đồng thời vẫn đảm bảo các chuẩn mực đánh giá và công nhận chất lượng theo hệ thống giáo dục Anh.
Theo ông Christopher Jeffery, Phó Hiệu trưởng phụ trách học thuật của BUV, trường không chỉ cung cấp bằng cấp quốc tế, mà còn tập trung đào tạo năng lực làm việc toàn cầu cho sinh viên Việt Nam. BUV ưu tiên hợp tác với doanh nghiệp để thiết kế chương trình, tổ chức thực tập và xây dựng hệ sinh thái gắn kết giữa người học và doanh nghiệp.
BUV đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất hiện đại, khuôn viên xanh nhằm nâng cao trải nghiệm học tập của sinh viên và khuyến khích ý thức bảo vệ môi trường.
Về định hướng phát triển, BUV đang mở rộng đối tượng người học, không chỉ dừng lại ở sinh viên Việt Nam mà còn hướng đến thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam, biến Việt Nam trở thành điểm đến giáo dục, chứ không chỉ là nơi xuất khẩu du học sinh. Đây là một bước đi chiến lược mà chưa nhiều trường đại học trong nước có thể thực hiện.
Ông Jeffery cho rằng, quá trình đầu tư vào giáo dục tại Việt Nam không phải lúc nào cũng thuận lợi. Hệ thống pháp lý, thủ tục cấp phép và yêu cầu chứng minh năng lực đào tạo là những bước sàng lọc khắt khe, nhưng đó là “rào cản cần thiết để bảo vệ uy tín giáo dục Việt Nam và tạo điều kiện cho những mô hình nghiêm túc phát triển”.
THỊ TRƯỜNG ĐANG CHỜ THÊM NHỮNG MÔ HÌNH CÓ TÂM VÀ CÓ TẦM
Việt Nam đã sẵn sàng mở cửa đón dòng vốn FDI vào giáo dục đại học, nhưng điều quan trọng là chọn đúng nhà đầu tư, những người không chỉ mang theo vốn, mà còn mang đến chuẩn mực, cam kết và tầm nhìn dài hạn như mô hình của BUV. Nhiều chuyên gia đồng tình rằng, trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về chuỗi giá trị, tài nguyên quan trọng nhất không còn là khoáng sản hay lao động giá rẻ, mà chính là chất lượng nguồn nhân lực. Đầu tư vào giáo dục đại học không còn là lựa chọn, mà là đòi hỏi tất yếu để Việt Nam duy trì đà tăng trưởng và hội nhập bền vững.
Việc mở cửa có chọn lọc cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời siết chặt các tiêu chuẩn về chất lượng, vốn và năng lực vận hành là bước đi chiến lược để định hình một nền giáo dục đại học mang tính cạnh tranh, hội nhập và phát triển lâu dài.
Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành trung tâm sản xuất và đổi mới sáng tạo trong khu vực, nhưng để duy trì sức hút FDI dài hạn, điều kiện về giáo dục và kỹ năng của lực lượng lao động cần được cải thiện đồng bộ với hạ tầng và chính sách thu hút đầu tư. Trong bối cảnh đó, sự hiện diện của các mô hình giáo dục đại học quốc tế như BUV không chỉ đóng góp vào mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao, mà còn nâng tầm năng lực cạnh tranh quốc gia trong thu hút FDI.
(Nguồn: Vneconomy, 10:43 12/04/2025, Huỳnh Dũng)
Source: VNECONOMY
This article has been adapted from its original source.