Trung Quốc Chuyển Dịch Cơ Cấu Lao Động - Ưu Tiên Đào Tạo Kỹ Năng Nghề, Giải Quyết Tình Trạng "Thừa Thầy Thiếu Thợ".


Tại Trung Quốc, sự mất cân đối giữa nguồn cung lao động và nhu cầu thị trường ngày càng trở nên trầm trọng, với hàng triệu cử nhân mới ra trường đối mặt với tình trạng thiếu việc làm phù hợp. Nhiều người buộc phải tìm đến các công việc tạm thời như giao hàng hoặc bán hàng trực tuyến để trang trải cuộc sống. Hiện tượng “sinh viên chuyên nghiệp” - những người trở về sống phụ thuộc tài chính vào cha mẹ để làm việc nhà - cũng gia tăng.

Đồng thời, nền kinh tế Trung Quốc lại đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động kỹ thuật trầm trọng. Hàng chục triệu vị trí trong các ngành sản xuất, công nghệ thông tin và chăm sóc sức khỏe vẫn chưa được lấp đầy do thiếu ứng viên đủ tiêu chuẩn. Bà Dan Wang, Giám đốc Eurasia Group, nhận định: “Trong khi các công việc sản xuất cơ bản có thể được tự động hóa, thì lại đang thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động ‘cổ cồn xanh’ có kỹ năng như lập trình hoặc vận hành máy công cụ.”

Tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” này đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, khuyến khích giới trẻ theo đuổi giáo dục nghề nghiệp. Các chương trình đào tạo nghề thường kéo dài ba năm, trang bị cho sinh viên các kỹ năng thực tế cần thiết cho các vị trí kỹ thuật viên, vận hành máy móc, kỹ thuật robot, điều dưỡng và các công việc khác mà nền kinh tế đang cần. Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một lực lượng lao động có kỹ năng để duy trì hoạt động của các nhà máy, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ đang ở mức cao, với cứ sáu người trẻ thì có một người không có việc làm.

Theo dữ liệu từ Zhaopin Ltd., tính đến tháng 4 năm nay, chỉ có 45% sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2024 tìm được việc làm. Trong khi đó, tỷ lệ này ở sinh viên tốt nghiệp các trường nghề, nơi thường có quan hệ đối tác với các công ty thông qua các chương trình thực tập và tuyển dụng, đạt 57%. Ông Kelvin Lam, nhà phân tích của Pantheon Macroeconomics, chỉ ra: “Đang có một sự thiếu kết nối giữa thị trường việc làm và hoạt động đào tạo. Sinh viên mới ra trường không muốn làm việc ở nhà máy.”

Học sinh lớp 9 ở Trung Quốc phải đối mặt với một kỳ thi mang tính định hướng, quyết định việc họ sẽ theo học đại học hay trường nghề. Những người có nguyện vọng vào đại học sẽ tập trung ôn luyện cho kỳ thi đại học, trong khi những người muốn theo học nghề sẽ hướng đến đào tạo thực tế và thi vào các trường nghề. Ba năm trước, Trung Quốc tuyên bố sẽ trao cơ hội bình đẳng về giáo dục bậc cao hơn và việc làm cho sinh viên đại học và trường nghề, nhằm thúc đẩy đào tạo kỹ năng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn ưu tiên ứng viên có bằng cử nhân cho các vị trí tốt hơn.

Hiện tại, Trung Quốc có khoảng 20 triệu sinh viên theo học tại 1.300 trường đại học và 17 triệu sinh viên theo học tại hơn 1.500 trường nghề. Chính phủ đặt mục tiêu tăng số lượng trường nghề và đưa các trường này lên vị trí “dẫn đầu thế giới” vào năm 2035. Học phí giữa đại học và trường nghề về cơ bản là tương đương, khoảng 6.000 nhân dân tệ (827 USD) mỗi năm đối với trường công và ít nhất gấp đôi đối với trường tư. Tuy nhiên, quan niệm truyền thống cho rằng trường nghề chỉ dành cho những học sinh không có năng lực vẫn là một rào cản lớn.

Trong lịch sử Trung Quốc, mục tiêu của việc học là đỗ đạt và làm quan. Học sinh trung học dành phần lớn thời gian ôn luyện cho “cao khảo” - kỳ thi đại học căng thẳng - để giành tấm vé vào đại học. Những người đạt điểm cao nhất sẽ được nhận vào các trường đại học hàng đầu, trong khi những người có điểm thấp hơn sẽ học tại các trường kém danh tiếng hơn hoặc trường nghề.

Triển vọng thu nhập cũng là một yếu tố quan trọng. Theo công ty tư vấn giáo dục Mycos, mức lương bình quân của lao động có bằng cử nhân sau 3 năm ra trường là 10.168 nhân dân tệ/tháng, cao hơn khoảng 1/3 so với lao động tốt nghiệp trường nghề. Ông Li Ruyuan, Hiệu trưởng trường nghề Handan Lingchuang, cho biết: “Hầu hết các bậc cha mẹ cho rằng một trường học tốt là nơi sinh viên phải dậy từ 6 giờ sáng và học đến 11 giờ tối. Nếu tôi nói với họ rằng sinh viên có thể vui chơi ở trường hoặc theo đuổi đam mê, họ sẽ lo lắng.”

Chủ tịch Tập Cận Bình gọi những người thợ lành nghề là “hòn đá tảng” của đất nước và mong muốn nâng cao uy tín của các trường nghề. Tuy nhiên, quan niệm của người dân vẫn còn chậm thay đổi. Năm 2021, Bắc Kinh đề xuất sáp nhập một số cơ sở đào tạo đại học vì lợi nhuận với trường nghề, nhưng vấp phải sự phản đối của sinh viên đại học do lo ngại việc này sẽ làm giảm giá trị bằng cấp của họ.

Hiện tại, chỉ một số ít trường nghề ở Trung Quốc có danh tiếng tương đương với bốn trường đại học hàng đầu. Trường Đại học Bách khoa Thâm Quyến, một trường nghề nổi tiếng, thường được gọi là “Tiểu Thanh Hoa”, theo tên của Đại học Thanh Hoa, nơi nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc từng theo học. Thành công của Bách khoa Thâm Quyến một phần đến từ mối quan hệ mật thiết với các công ty trong nước như Huawei, và uy tín trong việc hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của sinh viên, thu hút những sinh viên lẽ ra có thể theo học tại một trường đại học hàng đầu.

Zoe Chen, sinh viên Bách khoa Thâm Quyến, chia sẻ: “Sinh viên ở đây khởi nghiệp ngay từ khi đang học, và giáo viên có các dự án nghiên cứu riêng. Tôi thực sự không cần bằng cấp cao để có được cuộc đời mà tôi mong muốn.”

Nguồn: Vneconomy 10:00 16/04/2025 An Huy


Source: VNECONOMY
This article has been adapted from its original source.