Khoảng 200 doanh nghiệp trong ngành thép, xi măng, nhiệt điện tham gia chương trình thí điểm thị trường carbon Việt Nam - Động thái hướng tới giảm phát thải.


VIETNAM CONSIDERS MARKET-BASED INSTRUMENTS FOR DECARBONIZATION: STAKEHOLDER CONSULTATION ON EMISSIONS TRADING SCHEME IMPACT ASSESSMENT

Ngày 16 tháng 4 năm 2025, Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP), hợp tác với Cục Biến đổi Khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã tổ chức hội thảo tham vấn về “Đánh giá Tác động của Thị trường Carbon trong nước của Việt Nam trong Giai đoạn Thí điểm”. Sự kiện này, một phần của hỗ trợ kỹ thuật do Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên Hợp Quốc (UNOPS) tài trợ trong khuôn khổ Chương trình ETP, nhằm hỗ trợ Cục Biến đổi Khí hậu phát triển một thị trường carbon hiệu quả ở Việt Nam. Chương trình tập trung vào việc phân tích chuyên sâu và mô hình hóa tác động của các phương án quản lý tín chỉ carbon và hạn ngạch phát thải khí nhà kính (GHG), cung cấp dữ liệu đầu vào quan trọng cho việc xây dựng khung pháp lý quốc gia nhằm vận hành thị trường carbon tại Việt Nam.

CHUẨN BỊ CHO GIAI ĐOẠN THÍ ĐIỂM THỊ TRƯỜNG CARBON

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, nhấn mạnh rằng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS), hay thị trường carbon tuân thủ, là một công cụ định giá carbon quan trọng và hiệu quả để đạt được các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, phù hợp với cam kết của Việt Nam.

Việt Nam đã thiết lập một khung pháp lý cho việc vận hành thị trường carbon. Điều 139 của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 quy định việc “tổ chức và phát triển thị trường carbon”. Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, và Nghị định 06 sửa đổi, bổ sung đang được xem xét, cung cấp các quy định chi tiết về tổ chức và phát triển thị trường carbon, vạch ra lộ trình phát triển cụ thể, với giai đoạn thí điểm từ nay đến hết năm 2028 và vận hành chính thức từ năm 2029.

Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính đã được ban hành. Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam đã cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để đưa thị trường carbon vào vận hành theo đúng lộ trình đã đề ra. Mục tiêu của Đề án là vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon Việt Nam ngay trong năm 2025. Hỗ trợ kỹ thuật hiện tại sẽ hỗ trợ phân tích, mô hình hóa và đánh giá tác động của các phương án thiết kế và quản lý thị trường carbon khác nhau, đưa ra các khuyến nghị để Cục Biến đổi Khí hậu xem xét trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp lý và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc vận hành hiệu quả thị trường trong giai đoạn thí điểm sắp tới.

Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu nhấn mạnh các vấn đề cần tập trung để khuyến nghị trong báo cáo có luận cứ và khả thi:

  • Thiết kế thị trường: Đánh giá tính phù hợp và khả thi của các kịch bản về phạm vi ngành tham gia, cách xác định tổng hạn ngạch phát thải (mức trần) và phương pháp phân bổ hạn ngạch ban đầu (ví dụ: phân bổ miễn phí, đấu giá hoặc kết hợp) cho các cơ sở trong giai đoạn thí điểm, dựa trên các phân tích tác động.
  • Phạm vi thị trường: Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhiệt điện, sắt thép và xi măng sẽ tham gia thí điểm vào thị trường carbon. Việc mở rộng phạm vi sang các lĩnh vực khác trong những năm tới cần được xem xét. Ước tính có khoảng 200 doanh nghiệp lớn sẽ tham gia trong giai đoạn thí điểm.
  • Tác động kinh tế xã hội: Đánh giá tác động đến chi phí sản xuất, năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, việc làm của các phương án ETS khác nhau đối với các doanh nghiệp tham gia thí điểm (nhiệt điện, thép, xi măng) cần phản ánh đúng thực tiễn và quan tâm của doanh nghiệp. Các phương án ETS đưa ra cần phải đảm bảo hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
  • Sử dụng tín chỉ carbon bù trừ: Các quy định về việc sử dụng tín chỉ carbon được tạo ra từ các dự án trong nước để bù trừ phát thải trong hệ thống ETS thí điểm nên được thiết kế như thế nào? Nghị định 06 sửa đổi đã đề xuất tỷ lệ này là 30%.
  • Hạ tầng và năng lực: Hệ thống ETS cần có hạ tầng và năng lực như hệ thống đăng ký quốc gia, sàn giao dịch, hệ thống MRV (đo đạc, báo cáo, thẩm định). Nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực cần thiết nào là cấp bách nhất để đảm bảo các doanh nghiệp và cơ quan quản lý sẵn sàng tham gia vận hành thị trường thí điểm một cách hiệu quả?
  • Quản lý thị trường: Các cơ chế nào (ví dụ: dự trữ ổn định thị trường, quy định về giá sàn/giá trần) cần được cân nhắc để quản lý biến động giá và đảm bảo tính thanh khoản, minh bạch và ổn định cho thị trường carbon trong giai đoạn đầu vận hành?

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA CÁC PHƯƠNG ÁN QUẢN LÝ ETS GIAI ĐOẠN THÍ ĐIỂM

Để vận hành hiệu quả thị trường carbon thí điểm, cần cân nhắc các phương án thiết kế và quản lý thị trường, đánh giá tác động của từng phương án và lựa chọn phương án tối ưu, đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu phát triển kinh tế và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Ông John Robert Cotton, Phó Giám đốc Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP), nhấn mạnh rằng việc đánh giá tác động thị trường carbon là nền tảng quan trọng để tạo hệ thống thị trường trao đổi nội địa ETS, góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bà Nguyễn Hồng Loan, Giám đốc Công ty GreenCIC, trình bày 10 bước để thiết kế và vận hành thị trường carbon, với 3 nội dung thiết kế chính: phạm vi, thiết lập hạn mức và phân bổ hạn ngạch.

Để phân tích và lựa chọn các ngành/lĩnh vực tham gia vào ETS, cần đảm bảo hài hòa lợi ích về giảm phát thải khí nhà kính với lợi ích kinh tế. Việc tiếp cận tổng thể để xác định phạm vi dựa trên cường độ phát thải và cường độ thương mại là quan trọng. Phạm vi lựa chọn lĩnh vực thí điểm ETS của Việt Nam là các doanh nghiệp trong ngành nhiệt điện, sắt thép, xi măng.

Theo phân tích của GreenCIC, nhiệt điện có cường độ phát thải cao, cường độ thương mại thấp nên được đưa vào giai đoạn thí điểm ETS. Với sắt thép, xi măng có cường độ phát thải cao, cường độ thương mại cao nên được đưa vào ETS theo lộ trình. Việc đưa các ngành này vào giai đoạn đầu của ETS sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực trong trường hợp các đối tác thương mại của Việt Nam đã áp dụng giá carbon và cơ chế CBAM.

Phân bổ hạn ngạch trong giai đoạn thí điểm ETS theo kịch bản NDC không điều kiện để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm quen với các quy định và hoạt động trên thị trường carbon, giảm tác động tiêu cực lên sản xuất kinh doanh và nền kinh tế. Việc xác định tổng hạn ngạch là rất cần thiết để đảm bảo việc thực hiện ETS đóng góp hiệu quả vào việc đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Vì vậy, cần thiết có quy định rõ ràng cùng với công thức và nguồn số liệu minh bạch.

Nhóm nghiên cứu đánh giá tác động của các phương án quản lý ETS giai đoạn thí điểm đã tập trung vào các tác động với 114 doanh nghiệp (56 cơ sở sản xuất clinker thuộc lĩnh vực xi măng, 27 cơ sở sản xuất thép thô và 31 cơ sở nhiệt điện), với tổng phát thải khí nhà kính chiếm gần 43% phát thải khí nhà kính quốc gia giai đoạn 2020-2022.

Đánh giá tác động cho thấy việc áp dụng ETS giúp giảm đáng kể tổng chi phí của các doanh nghiệp để đạt được các mục tiêu theo NDC trong tất cả các kịch bản. Ngành nhiệt điện giảm được chi phí tuân thủ nhiều nhất, tiếp theo là sắt thép. Ngành xi măng có thể được hưởng lợi từ cung hạn ngạch ra thị trường. Chi phí đầu tư ở cả ba ngành tương đối thấp, khoảng từ 0,02% đến dưới 2% tổng đầu tư của ngành.

TS. Hồ Công Hòa, Học viện Chính sách và Phát triển, chia sẻ rằng việc thực hiện các biện pháp nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo NDC đều có tác động làm giảm GDP của nền kinh tế. Tuy nhiên, quy mô tác động tương đối nhỏ, chỉ từ 0,00075% đến 0,0208% GDP, trong đó kịch bản đạt được NDC không điều kiện với tỷ lệ sử dụng tín chỉ bù trừ tối đa 20% cho tác động thấp nhất đến nền kinh tế, bao gồm cả tác động đến giá tiêu dùng. Việc thực hiện ETS sẽ thúc đẩy tái cấu trúc các ngành phát thải lớn, đồng thời tạo cơ hội phát triển cho các ngành phát thải thấp và công nghệ xanh.


Source: VNECONOMY
This article has been adapted from its original source.