
Dự án LNG Alaska - Ảnh hưởng từ chính sách thương mại của chính quyền Trump, tác động địa chính trị gia tăng.
Dự án Alaska LNG trị giá 40 tỷ USD, từng bị trì hoãn trong nhiều năm, đang chứng kiến sự hồi sinh khi được chính quyền Trump coi là ưu tiên quốc gia. Theo CNBC, dự án này có thể đóng vai trò then chốt trong các đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ với Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent tuyên bố vào ngày 9/4 rằng Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đang cân nhắc đầu tư vốn và mua một lượng khí đốt đáng kể từ dự án LNG lớn ở Alaska. Một thỏa thuận như vậy sẽ hỗ trợ mục tiêu giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
CPC Corp. của Đài Loan đã ký thư ý định mua 6 triệu tấn LNG từ Alaska LNG vào tháng 3, đồng thời đề xuất đầu tư trực tiếp và cung cấp thiết bị cho dự án, theo Brendan Duval, CEO Glenfarne Group, đơn vị phát triển chính của dự án.
Thống đốc Alaska Mike Dunleavy và ông Duval đã gặp gỡ các quan chức chính phủ và ngành năng lượng cấp cao tại Hàn Quốc và Nhật Bản trong tháng 3, thảo luận về khả năng các ngân hàng phát triển của hai nước tham gia cấp vốn. Sự quan tâm từ Ấn Độ, Thái Lan và các quốc gia châu Á khác cũng đang gia tăng.
Dự án Alaska LNG bao gồm một đường ống dẫn khí, một nhà máy xử lý khí ở North Slope và một nhà máy hóa lỏng khí tại Nikiski, Alaska, với chi phí ước tính lần lượt là 12 tỷ USD, 10 tỷ USD và 20 tỷ USD, theo Thống đốc Dunleavy.
CEO Duval cho biết các giấy phép cần thiết đã được phê duyệt và Glenfarne dự kiến đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng trong vòng 6-12 tháng cho giai đoạn đầu tiên, khởi công xây dựng nhà máy LNG vào cuối năm 2026. Dự kiến toàn bộ dự án sẽ hoàn thành trong 4 năm rưỡi, bắt đầu hoạt động thương mại đầy đủ từ năm 2031.
Alaska LNG có kế hoạch sản xuất 20 triệu tấn LNG mỗi năm, tương đương khoảng 23% tổng số 87 triệu tấn LNG mà Mỹ xuất khẩu năm 2024, theo dữ liệu từ Kpler.
Chính quyền Trump coi Alaska LNG là một “dự án chiến lược quan trọng” nhằm thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu dầu khí của Mỹ, một phần trong chương trình nghị sự về “thống trị năng lượng” của Mỹ.
Bộ trưởng Nội vụ Doug Burgum cho biết, LNG xuất khẩu từ Alaska sẽ đến Nhật Bản trong khoảng 8 ngày, thay vì đi qua kênh đào Panama đông đúc. Ông Duval nhấn mạnh dự án này cung cấp tuyến đường trực tiếp và hiệu quả nhất cho các đối tác đồng minh, tránh được các điểm tắc nghẽn.
Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã thảo luận về đường ống dẫn khí đốt từ Alaska tới Nhật Bản và khả năng thành lập liên doanh khai thác dầu khí tại Alaska. Ông Trump cũng đề cập đến việc Nhật Bản “mua LNG Mỹ trên quy mô lớn” và sự tham gia của Hàn Quốc vào “một liên doanh trong đường ống Alaska”.
Ông Duval cho biết, dự án Alaska LNG có thể có cấu trúc liên doanh lỏng lẻng, với các đối tác châu Á ký hợp đồng mua LNG khối lượng lớn, mặc dù Glenfarne vẫn cởi mở với khả năng các đối tác nắm giữ cổ phần trực tiếp. Glenfarne mong muốn trở thành chủ sở hữu và nhà điều hành lâu dài của Alaska LNG cùng với các đối tác.
Glenfarne đã tiếp quản cổ phần 75% trong Alaska LNG từ Alaska Gasline Development Corporation (AGDC) vào tháng 3, AGDC giữ lại 25%.
Chủ tịch Rapidan Energy, Bob McNally, nhận định chính quyền Trump đang gây áp lực để Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đầu tư vào Alaska LNG. Mặc dù Nhật Bản muốn xoa dịu ông Trump và đa dạng hóa nguồn cung LNG, nước này có thể do dự do chi phí cao, tính chất phức tạp và rủi ro của dự án.
Alex Munton, giám đốc nghiên cứu khí đốt và LNG toàn cầu tại Rapidan, cho rằng dự án này “không có logic thương mại rõ ràng” và đã nằm trên giấy trong nhiều thập kỷ. Ông cho rằng Bờ Vịnh có nhiều lựa chọn LNG hấp dẫn hơn cho khách hàng châu Á. Mức giá hơn 40 tỷ USD có thể cần điều chỉnh tăng lên và dự án có thể cần đến “chính sách công hoặc cam kết tài trợ của khu vực công để trở thành hiện thực”.
Ngược lại, ông Duval khẳng định Alaska LNG sẽ có khả năng cạnh tranh mà không cần trợ cấp của chính phủ.
Thống đốc Dunleavy khẳng định dự án này rất khả thi với sự ủng hộ của Tổng thống, nhu cầu khí đốt từ các đồng minh châu Á, và sự thay đổi trong các liên minh địa chính trị và các vấn đề về thuế quan.
Source: VNECONOMY
This article has been adapted from its original source.