Trung Quốc siết chặt xuất khẩu đất hiếm – Thị trường lo ngại gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp công nghệ cao.


Trong tháng Tư này, Bắc Kinh đã áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với bảy nguyên tố đất hiếm và nam châm quan trọng, yếu tố then chốt trong sản xuất xe điện, tua-bin gió và khí tài quân sự, như một động thái trả đũa các mức thuế suất 145% mà chính quyền Tổng thống Trump áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc. Theo Financial Times, các quan chức chính phủ, nhà giao dịch và lãnh đạo ngành công nghiệp ô tô nhận định rằng, với lượng tồn kho ước tính đủ dùng trong khoảng 3-6 tháng, các công ty đang phải gấp rút tích trữ vật liệu và tìm kiếm các nguồn cung thay thế để giảm thiểu rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng.

Ông Jan Giese, nhà giao dịch kim loại tại Tradium, Frankfurt, cảnh báo rằng khách hàng đã không kịp chuẩn bị, và phần lớn các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp của họ dường như chỉ có đủ lượng nam châm đáp ứng nhu cầu sản xuất trong vòng 2-3 tháng. “Nếu không có các lô hàng nam châm được vận chuyển đến châu Âu hoặc Nhật Bản trong khoảng thời gian đó, hoặc gần như vậy, những vấn đề nghiêm trọng sẽ phát sinh đối với chuỗi cung ứng ô tô,” ông Giese nhấn mạnh.

Các biện pháp kiểm soát mới nhất của Trung Quốc tập trung vào các nguyên tố đất hiếm “nặng” và “trung bình” được sử dụng trong sản xuất nam châm hiệu suất cao có khả năng chịu nhiệt độ cao, bao gồm dysprosi, terbi và samari. Các nguyên tố này đóng vai trò then chốt trong các ứng dụng quân sự như máy bay phản lực, tên lửa và máy bay không người lái, cũng như trong rotor, động cơ và hộp số của xe điện và xe hybrid.

Một lãnh đạo cấp cao trong ngành ô tô cho rằng các biện pháp hạn chế xuất khẩu khoáng sản quan trọng của Trung Quốc sẽ gây ra “hậu quả” cho Tesla và tất cả các nhà sản xuất ô tô khác. Vị này đánh giá mức độ nghiêm trọng của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ở mức “7 hoặc 8” trên thang điểm từ 1 đến 10. “Đây là một hình thức trả đũa mà chính phủ Trung Quốc có thể ngầm ý rằng ‘chúng tôi sẽ không trả đũa bằng thuế quan nữa, nhưng chúng tôi sẽ gây tổn hại cho các công ty Mỹ và buộc họ phải vận động chính phủ thay đổi chính sách thuế quan’,” vị lãnh đạo này nhận định.

Mặc dù các kim loại đất hiếm không quá khó tìm trong vỏ Trái Đất, việc khai thác chúng với chi phí thấp và bằng các biện pháp thân thiện với môi trường là một thách thức. Trung Quốc gần như độc quyền trong lĩnh vực chế biến đất hiếm nặng. Chuyên gia Cory Combs của công ty tư vấn Trivium có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết các loại đất hiếm “nhẹ” - chẳng hạn như neodymium và praseodymium, được sử dụng với số lượng lớn trong nam châm - chưa bị kiểm soát xuất khẩu trong đợt này. Điều này tạo dư địa cho Bắc Kinh mở rộng kiểm soát xuất khẩu đất hiếm hơn nữa nếu căng thẳng thương mại leo thang.

Các biện pháp kiểm soát của Bắc Kinh yêu cầu các nhà xuất khẩu phải xin giấy phép cho từng lô hàng vật liệu bán ra nước ngoài và mở rộng phạm vi để cấm tái xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Trung Quốc bắt đầu kiểm soát xuất khẩu các vật liệu quan trọng từ năm 2023 để đáp trả các hạn chế của Washington đối với quyền tiếp cận công nghệ chip của Trung Quốc, và việc áp đặt hạn chế lên đất hiếm và nam châm là sự mở rộng của các biện pháp trước đó.

Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã tuyên bố bất khả kháng đối với các lô hàng đất hiếm và nam châm dự kiến được xuất khẩu và đã rút các vật liệu này khỏi thị trường, gây khó khăn cho việc xác định giá cả.

Nhật Bản và các quốc gia khác hy vọng rằng vị thế “độc quyền” của Trung Quốc về đất hiếm nặng sẽ được nới lỏng thông qua công ty Lynas của Australia, đơn vị đang mở rộng cơ sở chế biến tại Malaysia để sản xuất dysprosi và terbi từ giữa năm 2025. “Dự trữ các nguyên tố đất hiếm nặng hiện không đủ để ngăn chặn tình trạng biến động có thể xảy ra trong chuỗi cung ứng ô tô,” một quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết, đồng thời nói thêm rằng dự trữ quốc gia sẽ bổ sung thêm đất hiếm bên cạnh lượng dự trữ 2-3 tháng của các hãng sản xuất ô tô nước này. “Vấn đề là liệu có thể xây dựng chuỗi cung ứng thay thế mới kịp thời trước khi dự trữ cạn kiệt hay không,” vị này nói.

Kể từ thông báo của Chính phủ Trung Quốc vào ngày 2 tháng 4, vẫn chưa rõ Bắc Kinh có kế hoạch thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhất như thế nào. Các biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với tình trạng suy giảm nguồn cung cấp đất hiếm nặng do xung đột ở Myanmar, đồng nghĩa với việc hạn chế xuất khẩu sẽ củng cố nguồn cung trong nước, theo giới phân tích.

Giới chuyên gia lưu ý rằng trong những năm gần đây, Trung Quốc không muốn hạn chế xuất khẩu những mặt hàng có thể gây tổn hại đến lợi ích kinh tế của chính mình, chẳng hạn như galium, nhưng các kim loại khác như antimon - chất được sử dụng để chế tạo đạn - đã bị hạn chế xuất khẩu đáng kể. “Câu hỏi quan trọng là họ sẽ mất thời gian bao lâu để cấp giấy phép xuất khẩu cho các lô hàng,” ông Giese kết luận.


Source: VNECONOMY
This article has been adapted from its original source.