Việt Nam Tăng Cường Thu Hút FDI, Định Vị Chuỗi Giá Trị Toàn Cầu – Chính Sách và Triển Vọng Đầu Tư.


Trong bối cảnh địa chính trị kinh tế toàn cầu đầy biến động, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, thể hiện qua những số liệu FDI đáng chú ý trong năm tài chính 2024. Tính đến thời điểm kết thúc năm 2024, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 42.000 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 502,8 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước tính đạt 322,5 tỷ USD, tương đương 64,1% tổng vốn đăng ký, phản ánh hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, dư địa thu hút dòng vốn FDI vào các lĩnh vực chiến lược vẫn còn rất lớn, mở ra triển vọng tăng trưởng dài hạn cho nền kinh tế.

TỔNG QUAN VỀ FDI NĂM 2024 VÀ QUÝ 1/2025

Dữ liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính cho thấy, tổng vốn FDI đăng ký (bao gồm vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần) trong năm 2024 đạt 38,2 tỷ USD, giảm nhẹ 3% so với năm trước. Tuy nhiên, vốn thực hiện lại chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng, đạt 25,3 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023.

Cơ cấu vốn đăng ký cho thấy sự dịch chuyển trong xu hướng đầu tư. Vốn đăng ký dự án mới chiếm 19,7 tỷ USD, giảm 7,6%, trong khi vốn điều chỉnh tăng thêm đạt 13,9 tỷ USD, tăng mạnh 50,4%. Số lượng dự án mới nhích nhẹ lên 3.375 dự án. Hoạt động góp vốn mua cổ phần có phần giảm nhiệt, đạt 4,5 tỷ USD, giảm 48,1%.

Về cơ cấu ngành, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với 25,5 tỷ USD, chiếm gần 67% tổng vốn đăng ký. Các lĩnh vực khác như kinh doanh bất động sản (6,3 tỷ USD), sản xuất, phân phối điện (1,42 tỷ USD) và bán buôn, bán lẻ (1,4 tỷ USD) lần lượt theo sau. Sự tập trung vốn vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào năng lực sản xuất và triển vọng phục hồi tiêu dùng nội địa.

Xét theo địa phương, Bắc Ninh vươn lên dẫn đầu về thu hút FDI năm 2024 với 5,1 tỷ USD (13,4%), tăng mạnh so với vị trí thứ 7 năm 2023. Hải Phòng giữ vững vị trí thứ hai với 4,9 tỷ USD, trong khi TP.HCM lùi xuống vị trí thứ ba. Xu hướng này phản ánh sự ưu tiên của nhà đầu tư đối với các địa phương có hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ, cơ chế linh hoạt và khả năng thu hút vốn công nghệ cao.

Singapore dẫn đầu về nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2024 với 10,2 tỷ USD (26,7%), tiếp theo là Hàn Quốc (7 tỷ USD) và Trung Quốc (4,7 tỷ USD). Đây là những đối tác đầu tư chiến lược có mạng lưới sản xuất và cung ứng sâu rộng tại Việt Nam.

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến ngày 31/3/2025, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều thách thức.

Trong quý 1/2025, có 850 dự án mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký đạt 4,33 tỷ USD, tăng 11,5% về số lượng dự án nhưng giảm 31,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2024. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với 2,62 tỷ USD (60,5%), tiếp theo là kinh doanh bất động sản (1,13 tỷ USD, 26,1%).

Singapore tiếp tục dẫn đầu về vốn đầu tư mới với 1,32 tỷ USD (30,5%), tiếp theo là Trung Quốc (1,23 tỷ USD, 28,5%) và Đài Loan (368,1 triệu USD, 8,5%).

Vốn đăng ký điều chỉnh cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Có 401 dự án điều chỉnh tăng thêm vốn đầu tư với tổng giá trị 5,16 tỷ USD, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút tổng cộng 6,30 tỷ USD (66,5%), tiếp theo là kinh doanh bất động sản (2,24 tỷ USD, 23,6%).

Hình thức góp vốn, mua cổ phần cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Trong quý 1/2025, có 810 lượt góp vốn với tổng giá trị 1,49 tỷ USD, tăng 83,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất (487,6 triệu USD, 32,7%), tiếp theo là hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ (337,2 triệu USD, 22,7%).

Vốn FDI thực hiện trong ba tháng đầu năm 2025 ước đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, và là mức cao nhất trong quý 1 của 5 năm trở lại đây. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm phần lớn (4,05 tỷ USD, 81,7%), tiếp theo là kinh doanh bất động sản (387,7 triệu USD, 7,8%) và sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (193,3 triệu USD, 3,9%).

DỰ BÁO VỀ FDI 2025

GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhận định dòng vốn FDI toàn cầu đang phục hồi, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất chế tạo. Các xu hướng “friendshoring” và “nearshoring” tiếp tục được thúc đẩy để giảm thiểu rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng.

Dự báo về triển vọng thu hút FDI năm 2025, GS. Nguyễn Mại cho rằng tình hình chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu vẫn còn nhiều bất định, tạo áp lực lên tăng trưởng kinh tế và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhờ môi trường chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế tích cực và thể chế, môi trường kinh doanh được cải thiện. Các lĩnh vực được quan tâm đặc biệt bao gồm công nghiệp bán dẫn, công nghệ tương lai, năng lượng sạch, khoa học và công nghệ.

Để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI và hiện thực hóa mục tiêu kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP vào năm 2030, Việt Nam cần gia tăng đầu tư công cho nghiên cứu – phát triển (R&D), thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp xây dựng trung tâm R&D, chuyển giao công nghệ thông qua các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính hiệu quả.

CHÌA KHÓA ĐÓN FDI VÀO VIỆT NAM

Chủ tịch VAFIE cho rằng Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao để gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp phép đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án.

Nhiều chuyên gia đồng quan điểm rằng Việt Nam cần một chiến lược thu hút FDI mang tính hệ thống và đồng bộ, dựa trên ba trụ cột: thể chế minh bạch, hạ tầng hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cần đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, blockchain, thực tế ảo và kinh tế tuần hoàn; tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, kết hợp với thúc đẩy công nghiệp phần mềm, sản phẩm công nghệ cao và nông nghiệp công nghệ cao.

Yếu tố con người cần được đặt ở vị trí trung tâm. Cần phát huy tối đa nhân tố con người, xây dựng cơ chế chính sách để khơi dậy tinh thần cống hiến và sáng tạo của lực lượng lao động, đồng thời đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp, ngoại ngữ và kỹ năng mềm để đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu.

Cần xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút FDI vào các lĩnh vực chiến lược như bán dẫn, năng lượng tái tạo, AI, logistics thông minh và trung tâm dữ liệu. Các chính sách ưu đãi cần gắn liền với tiêu chí chuyển giao công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa, bảo vệ môi trường và tạo việc làm chất lượng cao cho người Việt Nam.

Cần thúc đẩy sự đổi mới trong tư duy quản lý nhà nước. Nhà nước pháp quyền hiện đại phải bảo đảm sự công bằng, minh bạch và thượng tôn pháp luật, làm cơ sở để nhà đầu tư yên tâm triển khai dự án dài hạn. Mọi chính sách cần hướng đến ổn định lâu dài, hạn chế tối đa rủi ro thay đổi đột ngột, từ đó tăng tính dự báo và hấp dẫn cho môi trường đầu tư Việt Nam.

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16 -2025 phát hành ngày 21/4/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1365 đầu tư FDI FDI Vietnam 2024 Vneconomy 11:26 22/04/2025 Tuấn Khang


Source: VNECONOMY
This article has been adapted from its original source.